Trước giờ bà con ta cứ muốn đen tóc nhân tạo thì ra tiệm nhuộm, còn muốn đen tóc tự nhiên thì cứ ra chợ mua hà thủ ô về uống. Tuy nhiên, cần phải biết phân biệt hà thủ ô thật ra sao, giả ra sao để mua cho đúng loại nữa.
1. Hà thủ ô đỏ (thật):
Có dạng gần giống củ khoai lang với mặt ngoài màu nâu đỏ, có nhiều chỗ lồi lõm, cứng chắc, rất khó bẻ. Mặt cắt ngang có lớp vỏ bần màu nâu sậm, lớp bên trong màu hồng có nhiều bột, ở giữa thường có lõi gỗ cứng. Bột có màu nâu hồng, không mùi, vị đắng chát.
Chế biến hà thủ ô như sau: ngâm nước vo gạo đặc một ngày đêm, vớt ra rửa sạch, để ráo. Nấu nhừ đậu đen (cứ 300 gam đậu đen để chế 1kg hà thủ ô đỏ), lấy nước đậu đen cho vào nồi chứa sẵn hà thủ ô rồi đem chưng cách thủy. Chưng 1-2 giờ vớt hà thủ ô ra đem phơi, rồi tiếp tục cho hà thủ ô với nước đậu đen vào nồi chưng tiếp lần 2, rồi lại đem phơi, làm nhiều lần cho đến khi nước đậu ngấm hết vào hà thủ ô. Cuối cùng sấy ở 60OC hoặc phơi khô. Đóng gói kỹ để dành dùng lâu ngày.
Nước đậu đen giúp hà thủ ô thơm hơn và màu sắc cũng sậm hơn, hoạt chất antocyanidin có trong đậu đen làm giảm tính chát của hà thủ ô, hạn chế tác nhân gây táo bón và kích ứng ruột. Sau khi chế hà thủ ô có tác dụng chữa cơ thể suy nhược, lưng gối mỏi đau, váng đầu, hoa mắt, tóc bạc sớm, huyết áp cao, xơ cứng động mạch, thần kinh suy nhược....
2. Hai loại còn lại là hà thủ ô giả có thể là:
- Củ nâu: phiến hà thủ ô giả thường dày khoảng 1-3mm, màu nâu hồng hay nâu tím, hình hơi tròn hay bầu dục, thường cong queo, lớp bề ngoài hơi sần sùi hay có xơ gai nhỏ bị cắt ngang hay dọc, cứng, khó bẻ, vị rất chát, se lưỡi. Dùng lâu ngày sẽ tích tụ chất độc trong cơ thể và hại gan, thận.
- Hà thủ ô trắng là loại dây mọc bò hoặc leo, người ta lấy thân thái mỏng dùng thay cho hà thủ ô đỏ. Hà thủ ô trắng thơm nhẹ, vị đắng chát, nhiều nhựa trắng trên thân lá, không có tác dụng bồi bổ cơ thể như hà thủ ô đỏ.
Mọi người phải phân biệt cẩn thận để tránh bị "tiền mất tật mang" !!!
Theo Đông y, sự phát triển của tóc có liên quan mật thiết với trạng thái của Huyết và hai tạng Tâm, Thận. Huyết đầy đủ, Tâm và Thận hoạt động tốt, thì tóc ắt đen mượt.
Tóc bạc sớm tất nhiên có liên quan tới "stress". Vì "stress" có thể làm rối loạn một số chức năng sinh lý trong cơ thể, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe toàn thân. Do đó để ngăn ngừa tóc bạc sớm, chống "stress" cũng là một biện pháp không thể coi nhẹ.
Bạn có đề cập đang uống thân và lá cây Hà thủ ô. "Thân" ở đây có phải là "thân leo" hay không? Vì Hà thủ ô là loài dây leo.
Ngoài ra, Hà thủ ô lại có 2 loại: Hà thủ ô đỏ và Hà thủ ô trắng. Cả hai loại đều có thể sử dụng làm thuốc bổ, nhưng thứ đỏ được coi là "chính vị" - tốt hơn.
Trường hợp có điều kiện tự thu hái, phân biệt giữa hai loài Hà thủ ô không khó khăn lắm:
- Cả hai đều là dây leo thân tròn, nhưng thân Hà thủ ô đỏ không có lông, còn Hà thủ ô trắng thì có nhiều lông, nhất là ở những đoạn thân non.
- Lá Hà thủ ô đỏ mọc so le, hai mặt đều nhẵn và không có lông; còn lá Hà thủ ô trắng mọc đối, có lông mịn ở cả hai mặt.
- Hoa Hà thủ ô đỏ màu trắng, mọc thành chùy, nhiều nhánh dài; còn hoa Hà thủ ô trắng màu nâu nhạt hoặc vàng tía, mọc thành xim, rất nhiều lông.
- Quả Hà thủ ô đỏ có 3 cạnh, trơn bóng; còn quả Hà thủ ô trắng tẽ đôi ra như cặp sừng bò.
Đặc biệt cần chú ý là, một số cây khác thường hay bị nhầm lẫn với Hà thủ ô, như "cây vú bò", "cây sữa", "cây sừng trâu" (còn gọi là "cây sừng dê") và "cây càng cua".
Cây càng cua giống Hà thủ ô trắng ở nhiều điểm: Cùng thuộc họ Thiên lý, lá cũng mọc đối, thân cũng có chất nhựa trắng, quả cũng tẽ làm đôi, ... nhưng lại là loài cây có độc; phải là người có kinh nghiệm mới phân biệt chính xác được.
Cây Hà thủ ô đỏ cho ta 2 vị thuốc:
(1) "Hà thủ ô" là củ đã phơi hoặc sấy khô.
(2) "Dạ giao đằng" là dây (thân, có thể kèm theo lá).
Như vậy bạn đang sử dụng vị thuốc "Dạ giao đằng". "Hà thủ ô" và "Dạ giao đằng" có tác dụng không hoàn toàn giống nhau:
- Hà thủ ô có vị đắng ngọt chát, tính hơi ấm. Có tác dụng bổ Can, ích Thận, dưỡng Huyết, trừ phong. Dùng chữa Can Thận âm hư, tóc bạc sớm, đau đầu do huyết hư (thiếu máu), lưng gối yếu mỏi, gân cốt tê đau, di tinh, băng lậu, sốt rét lâu ngày, viêm gan mạn tính, ung nhọt, ...
- Dạ giao đằng có vị hơi đắng, tính bình. Có tác dụng dưỡng tâm, an thần, thông kinh lạc, trừ phong. Dùng chữa mất ngủ, mệt mỏi, nhiều mô hôi, người đau do huyết hư (thiếu máu), tràng nhạc, ung thũng, mụn nhọt lở ngứa, ...
Hà thủ ô có tác dụng bổ huyết mạnh hơn, nhưng về mặt an thần thì Dạ giao đằng có tác dụng mạnh hơn. Do đó để bồi bổ cơ thể và chữa tóc bạc sớm, nên dùng Hà thủ ô. Còn để an thần, chữa mất ngủ, chữa các bệnh lở loét ngoài da, thì nên sử dụng Dạ giao đằng.
Trong dân gian, để chữa tóc bạc sớm nhiều người hay dùng Dạ giao đằng thay thế Hà thủ ô, nhưng cách làm như vậy không hoàn toàn đúng.
Ngoài ra, còn cần lưu ý, Hà thủ ô chia ra 2 loại: Củ Hà thủ ô khô chưa chế biến gọi là "Hà thủ ô sống" (sinh Hà thủ ô), củ đã qua chế biến gọi là "Hà thủ ô chế". Hà thủ ô sống thường được dùng chữa chứng táo bón ở người già và sản phụ. Còn để bồi bổ và chữa tóc bạc sớm thì cần sử dụng Hà thủ ô chế.
(Sưu tầm)